Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch axit ở dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, gây nóng rát ở ngực, ợ trớ, tức ngực, khó nuốt, buồn nôn. Bệnh xảy ra do cơ thắt thực quản dưới không đóng kín; một số yếu tố nguy cơ khác như do thừa cân, ăn uống không khoa học, căng thẳng,… Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến viêm thực quản, barrett thực quản hay ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Vậy người bị trào ngược dạ dày nên ăn gì và kiêng gì để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh? Cùng Doctor Check khám phá trong bài viết dưới đây!
Lưu ý:
Các thông tin trong bài viết dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh nên đến phòng khám tiêu hóa để được bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng, các nhóm thực phẩm phù hợp với tình trạng bệnh.
Giải thích thuật ngữ:
Bệnh trào ngược dạ dày có thuật ngữ chuẩn y khoa là bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD). Trong bài viết này sẽ sử dụng thuật ngữ phổ thông hơn là trào ngược dạ dày để tiếp cận dễ dàng hơn với đọc giả.
Bị trào ngược dạ dày nên ăn gì?
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng do bệnh lý trào ngược dạ dày gây ra. Một số loại thực phẩm có thể giúp cải thiện được triệu chứng, trong khi một số loại thực phẩm lại khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Một số loại thực phẩm người bị trào ngược dạ dày nên ăn là:
- Rau xanh
- Sữa chua
- Các loại củ
- Trái cây có tính kiềm
- Gừng
- Yến mạch
- Gạo lứt
- Bánh mì nguyên hạt
- Thịt nạc và hải sản
- Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh
Rau xanh
Rau xanh là một loại thực phẩm chứa nguồn chất xơ dồi dào. Chất xơ có trong rau xanh có thể giúp làm giảm lượng axit có trong dạ dày, từ đó giảm nhẹ tình trạng đầy hơi và đau thượng vị. Chất xơ cũng là nguồn dưỡng chất thiết yếu cho hệ vi sinh đường ruột, giúp cải thiện tiêu hóa, giảm cảm giác đầy bụng dễ làm trào ngược dạ dày.
Ngoài ra, chất xơ cùng với hàm lượng nước cao trong rau xanh cũng giúp cho kích thích nhu động ruột, làm mềm phân và giúp hạn chế tình trạng táo bón. Do đó, rau xanh là loại thực phẩm rất phù hợp với người mắc trào ngược dạ dày.
Sữa chua
Cô chú, Anh chị nên sử dụng sữa chua có hàm lượng chất béo thấp (low-fat yogurt), sữa chua không đường (plain unsweetened yogurt) để giúp cải thiện các triệu chứng của trào ngược dạ dày. Ngoài ra, lượng lợi khuẩn lớn trong sữa chua giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa. Sữa chua còn cung cấp các loại protein và nhiều dưỡng chất giúp cải thiện sức khỏe cho người bệnh.
Các loại củ giàu chất xơ
Các loại củ giàu chất xơ có thể khiến người bệnh ăn nhanh no, tránh tình trạng ăn một lượng thức ăn lớn có khả năng gây ra triệu chứng của trào ngược dạ dày ở người bệnh. Chất xơ trong nguồn thực phẩm này còn giúp người bệnh trào ngược dạ dày dễ tiêu hóa, giảm tình trạng ợ nóng. Một số loại rau củ mà người bệnh nên bổ sung vào thực đơn là khoai tây, khoai lang, cà rốt, củ cải đường,…
Các loại trái cây có tính kiềm
Các loại trái cây có tính kiềm (hàm lượng axit thấp) có thể giúp trung hòa lượng axit trong dạ dày, cải thiện các triệu chứng từ trào ngược axit dạ dày. Người mắc bệnh trào ngược dạ dày có thể bổ sung các loại trái cây có tính kiềm như chuối, táo, lê, dưa hấu, bơ, việt quất,… vào bữa ăn hàng ngày.
Gừng
Gừng cũng thường được sử dụng để cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày. Gừng có tính kiềm và tính chống viêm tự nhiên, hỗ trợ giảm tình trạng khó tiêu, buồn nôn và các vấn đề tiêu hóa khác. Người bệnh có thể nghiền hoặc thái một ít gừng vào món ăn, sinh tố hay uống trà gừng để giảm bớt triệu chứng trào ngược dạ dày.
Yến mạch
Yến mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ. Nhiều nghiên cứu cho thấy yến mạch có thể giúp hạn chế được các cơn trào ngược axit, cải thiện được các triệu chứng như đau thượng vị, ợ chua, ợ nóng,… Do đó, người mắc bệnh trào ngược dạ dày có thể bổ sung yến mạch vào thực đơn hằng ngày của mình.
Gạo lứt
Người bị trào ngược dạ dày có thể tham khảo và bổ sung thêm gạo lứt vào thực đơn ăn uống. Gạo lứt là một loại carbohydrate phức tạp và chứa nhiều chất xơ, do đó, gạo lứt có thể giúp kiểm soát trào ngược dạ dày bằng cách giảm lượng axit có trong dạ dày. Từ đó, các triệu chứng có thể được cải thiện.
Ngoài ra, gạo lứt còn giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột, thúc đẩy tiêu hóa và không chứa gluten. Vì vậy, gạo lứt có thể là lựa chọn tốt và phù hợp cho nhiều người.
Bánh mì nguyên hạt
Bánh mì nguyên hạt là lựa chọn phù hợp hơn cho người bị trào ngược dạ dày so với các loại bánh mì trắng. Lý do bởi vì trong bánh mì nguyên hạt có chứa hàm lượng chất xơ cao hơn bánh mì trắng và hỗ trợ tiêu hóa. Từ đó, lượng chất xơ trong bánh mì nguyên hạt có thể giúp cải thiện triệu chứng ợ nóng.
Thịt nạc và hải sản
Các loại thịt nạc (thịt gà) và hải sản (cá, cua, tôm,…) là thực phẩm chứa ít chất béo và thường không kích thích xuất hiện các triệu chứng của trào ngược dạ dày như ợ trớ so với các loại thịt động vật khác.
Ngoài ra, thịt nạc như thịt ức gà còn dễ tiêu hóa và chứa nhiều loại protein cần thiết. Từ đó, thịt ức gà có thể cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cho cơ thể mà không gây áp lực lên hệ tiêu hóa. Như vậy, thịt nạc và các loại hải sản có thể là lựa chọn thay thế tốt giúp cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày.
Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh
Thực phẩm chứa chất béo không tốt như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa có thể kích hoạt tình trạng trào ngược dạ dày. Vì vậy, người bệnh nên loại bỏ nhóm chất béo này, ưu tiên dùng thực phẩm chứa chất béo lành mạnh (chất béo không bão hòa) như dầu bơ, dầu ô-liu, cá béo, dầu hướng dương, dầu mè, các loại hạt,… để hỗ trợ kiểm soát tình trạng trào ngược axit dạ dày.
Bị trào ngược dạ dày không nên ăn gì?
Song song với bổ sung các thực phẩm có lợi vừa kể trên, người bị trào ngược dạ dày cũng nên hạn chế một số loại thực phẩm có thể làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng, đó là: trái cây nhiều axit, đồ ăn cay nóng, cà phê,…
Các loại thực phẩm người bị trào ngược dạ dày không nên ăn là:
- Trái cây có tính axit cao
- Thực phẩm chiên, giàu chất béo
- Thức ăn cay
- Sô-cô-la
- Cà phê
- Trà
- Rượu bia
- Thức uống có ga
Trái cây có tính axit cao
Các loại trái cây có tính axit cao có thể kích thích làm tăng lượng axit, từ đó khiến người bị trào ngược dạ dày dễ xuất hiện các triệu chứng như ợ nóng, ợ trớ, buồn nôn. Do đó, để có thể kiểm soát được các triệu chứng, người bệnh nên tránh tiêu thụ các loại trái cây có tính axit cao này. Một số loại trái cây cần tránh như cam, chanh, bưởi, cà chua, dứa,…
Thực phẩm chiên, giàu chất béo
Thực phẩm chiên, giàu chất béo thường làm chậm quá trình tiêu hóa và khiến thức ăn ở trong dạ dày lâu hơn. Đồng thời, lượng chất béo dư thừa có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột, làm quá trình tiêu hóa cũng khó khăn hơn.
Lúc này dạ dày sẽ tiết ra nhiều axit, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày. Một số loại thực phẩm cần tránh gồm khoai tây chiên, thịt chiên, thịt xông khói, nước xốt kem, bơ sữa nguyên kem,…
Thức ăn cay
Thực phẩm cay có thể kích thích trực tiếp lớp niêm mạc thực quản dưới bị viêm, từ đó làm chứng ợ nóng thêm trầm trọng. Không chỉ vậy, trong ớt đỏ còn có chất capsaicin (chất tạo ra vị cay của ớt) được chứng mình có thể gây trào ngược dạ dày.
> Cùng tìm hiểu thêm: Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản có nguy hiểm không?
Sô-cô-la
Trong sô-cô-la có chứa methylxanthine – một hoạt chất có thể làm cơ thắt thực quản dưới giãn ra, tạo điều kiện cho các chất từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Bên cạnh đó, sô-cô-la còn chứa caffeine và chất béo, là các yếu tố góp phần làm cho trào ngược axit dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.
Cà phê
Trong cà phê có chứa caffeine – hợp chất có thể gây ra chứng ợ nóng ở một số người. Không chỉ vậy, caffeine còn có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới, từ đó kích hoạt tình trạng trào ngược dạ dày.
Trà
Tương tự như cà phê, trà cũng chứa nhiều caffeine, khiến cho các triệu chứng của trào ngược dạ dày trở nên nặng hơn. Nếu vẫn muốn uống trà, người bệnh nên chọn loại trà không chứa caffeine.
Rượu bia
Rượu bia có thể làm tăng tiết axit trong dạ dày, đồng thời làm tổn thương chất nhầy ở thành dạ dày cũng như làm yếu sự co bóp ở thực quản. Đây là các yếu tố có thể làm tăng tình trạng trào ngược dạ dày.
Thức uống có ga
Nước có ga cũng là loại thức uống mà người bệnh trào ngược dạ dày nên hạn chế. Bởi vì khí ga trong nước có thể gây áp lực cho cơ thắt thực quản, tăng nguy cơ trào ngược axit.
Một vài lưu ý về ăn uống cho người bệnh trào ngược dạ dày
Người bị trào ngược dạ dày khi ăn uống cần chú ý một vài điều sau để giảm các triệu chứng của bệnh:
- Nên chia nhỏ các bữa trong ngày, không nên ăn quá nhiều trong một bữa.
- Ăn chậm, nhai kỹ, nên dành 20 – 30 phút cho mỗi bữa ăn.
- Tránh ăn vội và tránh dùng ống hút khi uống vì có thể nuốt nhiều khí vào đường tiêu hóa.
- Không nên vận động mạnh hay nằm ngay sau khi ăn.
- Nên ăn trước 3 giờ trước khi đi ngủ. Đồng thời người bệnh trào ngược dạ dày nên nằm ngủ nghiêng sang bên trái, kê đầu cao.
- Kiểm soát cân nặng ở mức ổn định, nên giảm cân nếu cần thiết.
- Bỏ hút thuốc lá.
> Tìm hiểu thêm: Các loại thuốc trào ngược dạ dày thực quản
Vậy là bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc trào ngược dạ dày nên ăn gì và kiêng gì. Có thể thấy, xây dựng chế độ ăn uống khoa học với các thực phẩm lành mạnh là một trong những cách hỗ trợ cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày hiệu quả. Tuy nhiên để chấm dứt bệnh hoàn toàn, người bệnh vẫn cần thăm khám, chẩn đoán kỹ càng để xác định đúng nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Doctor Check là trung tâm chuyên sâu chẩn đoán và điều trị bệnh lý tiêu hóa uy tín tại TP.HCM. Với đội ngũ bác sĩ giỏi, chuyên môn vững vàng giúp người bệnh được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp với từng tình trạng bệnh nhân. Đặc biệt, ở Doctor Check, người bệnh sẽ được điều trị theo guideline và dùng thuốc kê đơn Brand-name (Thuốc biệt dược) để tăng hiệu quả chữa trị.
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây trào ngược dạ dày – thực quản, nội soi tiêu hóa được xem là “tiêu chuẩn vàng”. Quy trình nội soi tại Doctor Check đảm bảo chuẩn quốc tế khi luôn chú trọng khâu vô khuẩn, chống lây nhiễm chéo. Đồng thời, Doctor Check cam kết chụp hơn 22 tấm hình ở các vị trí dễ bị tổn thương; quan sát hình ảnh ít nhất 7 phút để không bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào (chỉ áp dụng với nội soi tiền mê).
Kết hợp cùng hệ thống máy móc hiện đại, gồm Olympus và Fujifilm với dây soi gắn camera phóng đại 100 – 135 lần, chế độ nhuộm ảo (NBI), màn hình độ phân giải 4K siêu sắc nét. Cùng với phương pháp Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê), bác sĩ chẩn đoán trào ngược dạ dày – thực quản có độ chính xác cao đến 90 – 95%.
Ngoài ra, để giúp các bệnh nhân từ tỉnh xa đến thăm khám được thuận lợi, Doctor Check bắt đầu làm việc từ 6 giờ sáng, giúp tiết kiệm tối đa thời gian cho người bệnh.
Câu hỏi thường gặp
Bị trào ngược dạ dày nên uống gì thì tốt?
Người bệnh trào ngược dạ dày nên uống trà thảo mộc (hoa cúc, cam thảo, gừng,…), các loại nước ép trái cây (như táo, lê, chuối,…), sữa từ thực vật (đậu nành, hạnh nhân, hạt điều…), sữa ít béo hoặc tách béo. Đồng thời, người bệnh cũng nên tránh nước ép cam, quýt, chanh, bưởi, cà chua, đồ uống có cồn, nước ngọt, cà phê.
Người bệnh trào ngược dạ dày không nên ăn gì?
Người bệnh nên tránh các thực phẩm như đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, sô-cô-la, trái cây nhiều axit, đồ uống có ga.
Chế độ ăn cho người bệnh trào ngược dạ dày là gì?
Người bệnh nên bổ sung các nhóm thực phẩm có lợi, tránh xa các thực phẩm làm tình trạng trào ngược nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên ăn chậm và nhai kỹ, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, duy trì cân nặng ổn định, không ăn trước khi đi ngủ 3 giờ và nên mặc quần áo thoải mái.
Tài liệu tham khảo:
1. Robin Madell. Foods to Help Your Acid Reflux. 07 09 2021. https://www.healthline.com/health/gerd/diet-nutrition (đã truy cập 25 04 2023).
2. Hopkins Medicine. GERD Diet: Foods That Help with Acid Reflux (Heartburn). https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/gerd-diet-foods-that-help-with-acid-reflux-heartburn (đã truy cập 25 04 2023).
3. University Hospitals. The Best and Worst Foods for Acid Reflux. 15 04 2014. https://www.uhhospitals.org/blog/articles/2014/04/best-and-worst-foods-for-acid-reflux (đã truy cập 25 04 2023).
4. WebMD. Foods That Fight GERD. 04 08 2021. https://www.webmd.com/heartburn-gerd/ss/slideshow-foods-fight-gerd (đã truy cập 25 04 2023).
5. Harvard Health Publishing. 9 ways to relieve acid reflux without medication. 16 11 2021. https://www.health.harvard.edu/digestive-health/9-ways-to-relieve-acid-reflux-without-medication (đã truy cập 25 04 2023).
6. Ana Gotter. What to Drink for Acid Reflux. 18 05 2022. https://www.healthline.com/health/gerd/beverages (đã truy cập 25 04 2023).